Sự thật buồn về pin điện thoại: Công nghệ gần như “dậm chân tại chỗ”
Tất các thiết bị di động và xe điện đều sử dụng pin sạc lithium-ion (li-ion).Việc tạo ra những cục pin bền hơn thực sự rất khó khăn, vì công nghệ không thay đổi trong nhiều thập kỉ. Thay vào đó, cải thiện trong thời lượng pin đến từ những tính năng tiết kiệm pin được tích hợp trong thiết bị. Phần mềm quản lý sạc và xả pin cũng đã hoạt động hiệu quả hơn, giúp bạn tiêu pin từ từ chứ không “ngốn” nhanh.
Không may thay, những cải tiến về thời lượng pin thường tập trong trên sản phẩm xe hơi, vệ tinh và hệ thống điện trong gia đình. Đây là những ngành cần những lõi pin hoạt động được trong nhiều năm, hơn tuổi thọ của pin điện thoại.
Một cách khác để giải quyết vấn đề về pin là tăng dung lượng. Và viên pin trên điện thoại thực sự đang ngày càng lớn. Chiếc Galaxy S20 Ultra vừa ra mắt cách đây không lâu mang trên mình cục pin tới 5000mAh, gấp hơn ba lần chiếc S đầu tiên.
Sạc nhanh không hề huỷ hoại pin của bạn
Chúng ta đang dùng điện thoại ngày càng nhiều, một cục pin trụ được cả ngày là chìa khoá để chúng ta lựa chọn các sản phẩm. Các hãng cũng cạnh tranh nhau ở công nghệ sạc nhanh trên các smartphone của mình. Lúc này, một cục sạc nhanh được đặt cùng hộp với điện thoại đã trở thành thông lệ. Samsung đã làm điều đó, rồi tới Huawei, Google, OnePlus và cả “gã kiệt sỉ” Apple.
Một cục sạc truyền thống có nguồn ra từ 5W tới 10W. Sạc nhanh có thể đạt tới con số lớn gấp tám lần. Ví dụ, iPhone 11 Pro được gắn kèm với cục sạc 18W, Galaxy Note 10 có thể sử dụng sạc 25W. Và Samsung thậm chí còn bán ra cục sạc 45W với giá 50 USD.
Galaxy Note 10 có thể sạc được 70% trong 30 phút với sạc 45W
Trừ khi có lỗi với pin hoặc cục sạc của bạn thì sạc nhanh không gây hại cho pin điện thoại. Bời vì sạc nhanh được thực hiện qua hai pha khác nhau. Pha đầu tiên, điện thoại sẽ được sạc với dòng điện lớn. Pin điện thoại sẽ được sạc lên tới 70% trong khoảng thời gian ít hơn 30 phút. Trong giai đoạn này, viên pin có thể hấp thụ dòng sạc nhanh mà không có bất kì ảnh hưởng xấu nào tới độ bền. Cục sạc 45W của Samsung có thể đưa chiếc Galaxy Note 10 từ cạn pin tới 70% trong nửa tiếng. iPhone 11 Pro cũng có thể sạc được 50% pin trong thời gian tương tự với cục sạc đi kèm.
Trong pha tiếp theo, các nhà sản xuất phải cẩn thận kiểm soát tốc độ bằng cách sạc chậm lại để tránh gây hại cho pin. Do vậy, khoảng thời gian sạc 30% cuối gần như sẽ bằng thời gian để hoàn thành pha đầu tiên.
Tổn thương lên pin là rất hi hữu nếu mọi thứ được quản lí tốt. Hệ thống quản lý pin điện thoại sẽ điều khiển sát sao hai pha sạc này. Do vậy, thời gian sạc được tối ưu hoá, nhưng vẫn không gây hại cho máy.
Chiếc smartphone “bom tấn” Galaxy Note 7 có thể phát nổ không phải do phần mềm quản lý yếu kém mà do lỗi trong thiết kế của pin.
Bạn không thể sạc quá dung lượng viên pin
Sạc “tràn” là nỗi lo đi vào tiềm thức nhiều người. Người ta vẫn sợ nếu cắm điện thoại liên tục thì có thể sạc pin vượt quá dung lượng cho phép, khiến pin trở nên kém ổn định. Hệ quả là tuổi thọ pin kém hoặc lượng nhiệt sản sinh ra quá lớn, thậm chí gây cháy nổ.
Nhưng sự thật là điều này sẽ không xảy ra với pin điện thoại. Theo như những chuyên gia, hệ thống quản lý pin trong mỗi điện thoại được thiết kế để ngắt dòng điện một khi pin đã đầy.
Tuy vậy, không thể phủ nhận viên pin sẽ chịu áp lực lớn hơn khi sạc đầy. Đó là lí do các nhà sản xuất ô tô sẽ ngắt dòng sạc ở 80%. Apple cũng đưa ra hướng giải quyết thông minh trên iOS 13 để hạn chế ảnh hưởng này. Nếu bạn thường sạc iPhone khi đi ngủ, chế độ Sạc pin được tối ưu hoá sẽ là một tính năng hữu ích. Điện thoại sẽ tự học được thời gian bạn hay sạc pin và giữ cho pin ở 80%. Điện thoại vẫn sẽ được sạc đầy ngay trước thời điểm bạn thường ngắt sạc.
Theo cách thủ công, bạn vẫn hoàn toàn có thể tự rút sạc ở 80%, nhưng bạn sẽ phải đánh đổi một (vài) giờ sử dụng mà sạc đầy có thể đem lại.
Bạn không nên xả pin tới 0%
Có thể bạn đã từng xả pin tới 0% để pin hiệu chỉnh lại chính nó. Tuy nhiên đây không phải vấn đề với pin điện thoại ngày nay. Thực tế, xả cạn pin có thể gây ra những phản ứng hoá học bên trong. Dần dần điều này sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ pin. Để ngăn chặn tình trạng trên, phần mềm quản lí pin có thể tích hợp tính năng giảm tiêu thụ năng lượng của máy khi pin yếu.
Nếu bạn ám ảnh về việc kéo dài tuổi thọ pin, hãy sạc khi pin ở tầm 30%, ngay trên mức có thể gây ra áp lực cho pin.
Nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng xấu tới pin
Nhiệt độ thực sự là kẻ thù của pin. Nhiệt độ cao về lâu về dài sẽ khiến tuổi thọ của pin giảm đi. Ở nhiệt độ trên 30 độ C, pin điện thoại bắt đầu làm việc kém hiệu quả.
Hãy giữ điện thoại tránh xa ánh nắng mạnh để tránh quá nhiệt. Sạc pin trên bề mặt bằng vải và bông cũng khiến nhiệt độ máy tăng cao. Quá nhiệt cũng có thể gây ra tính trạng cháy nổ.
Tuy vậy, để điện thoại sạc trong một nơi có nhiệt độ thấp cũng không phải một giải pháp quá cần thiết. Hãy cố che chắn điện thoại và đặt nó ở một nơi thoáng khí là được.
Bộ sạc mua ngoài cũng không gây hại cho pin
Việc bạn sử dụng những loại sạc khác nhau sẽ không ảnh hưởng tới pin. Tất nhiên là trừ khi bạn dùng dây sạc kém chất lượng hoặc đã hỏng. Chỉ là bạn có thể không trải nghiệm tốc độ sạc siêu nhanh mà thôi. Nhiều nhà sản xuất như Huawei, OnePlus và Oppo tự thiết kế bộ sạc riêng của hãng. Do vậy để đạt được tốc độ như thiết kế, bạn cần loại sạc của các hãng này sản xuất. Samsung và Apple vẫn đi theo những chuẩn sạc phổ biến. Do vậy có rất nhiều bộ sạc tương thích với khả năng sạc nhanh của máy.
Bộ sạc đi kèm máy vẫn là những lựa chọn hàng đầu. Tuy vậy, nếu bạn có mua sạc từ những bên thứ ba với chất lượng tốt, viên pin của bạn vẫn sẽ được đảm bảo an toàn.
Tạm kết
Vậy là chắc chắn sạc nhanh sẽ không khiến pin bạn chóng hỏng hơn. Thói quen sạc và sử dụng thường ngày cũng không tổn hại nghiêm trọng cho pin như chúng ta tưởng.