Nhiều người nhận được tin nhắn iMessage với nội dung tuyển dụng lương 5-30 triệu đồng mỗi tháng, nhưng trước tiên phải nạp tiền đăng ký.
Gần một tháng nay, Bình Minh (Hà Nội) cho biết anh và bạn bè nhận được hàng chục tin nhắn có nội dung: “Bạn có muốn tìm công việc bán thời gian không? Mức lương 5-30 triệu đồng một tháng, mỗi ngày ít nhất 500.000 đồng không phí phụ thu. Công việc đơn giản, làm tại nhà, nếu muốn tham gia xin hãy liên hệ”.
Các tin nhắn có nội dung giống nhau, dù được gửi từ các địa chỉ Apple ID khác nhau, thường được tạo từ email có đuôi @icloud.com hoặc @163.com.
“Những lần đầu tôi bỏ qua, nhưng thấy gửi nhiều nên thử liên hệ xem thế nào vì cũng có nhu cầu tìm việc thực sự. Các tài khoản đều có tên và hình đại diện đầy đủ. Họ cũng trả lời tin nhắn rất nhanh”, Minh kể.
Tuy nhiên, khi làm theo hướng dẫn, anh nhận ra những người này muốn lừa tiền của mình. “Họ giới thiệu là tư vấn viên của một công ty nước ngoài, nói tôi chỉ cần có một điện thoại kết nối mạng, có tài khoản Internet banking là có thể làm việc”, Minh nói. Công việc anh được yêu cầu là “tương tác nhằm tăng truy cập cho website bán hàng của đối tác, mỗi nhiệm vụ chỉ cần làm trong 10 phút là có thể nhận tiền hoa hồng”.
Để nhận “nhiệm vụ”, anh trước tiên phải nạp tiền. Nạp càng nhiều, tiền hoa hồng được hứa hẹn càng nhiều. Chẳng hạn, nếu chọn gói nhiệm vụ 150.000 đồng, anh có thể nhận 220.000 đồng, nếu nạp 500.000 đồng sẽ nhận 650.000 đồng. Việc nạp tiền được thực hiện bằng cách chuyển khoản đến một tài khoản cá nhân.
“Tôi bắt đầu nghi ngờ và gọi điện, nhưng một lúc sau thì bị chặn”, Minh cho hay.
Theo các chuyên gia bảo mật, nhiều người dùng iPhone nhận được tin nhắn như vậy qua iMessage, nội dung hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, đồng thời người gửi tự nhận là giám đốc, tư vấn viên đang làm việc tại một số công ty nổi tiếng. Tuy nhiên nếu làm theo, người dùng sẽ mất tiền và có nguy cơ bị mất thông tin cá nhân, dính mã độc.
“Kịch bản chung của trò lừa là yêu cầu người dùng nạp tiền trước khi tham gia. Chúng có thể trả thưởng khoảng 1-2 lần đầu để họ tin tưởng và nạp thêm, hoặc rủ người thân tham gia cùng”, Ngô Minh Hiếu, sáng lập dự án Chống lừa đảo cho biết. Khi đã có một lượng người dùng nhất định, các dự án này sẽ cho “sập sàn” để chiếm toàn bộ tiền. Sau đó, chúng lại mở một website lừa đảo mới, với giao diện và tên miền mới để tìm kiếm những “con mồi” khác.
Theo Ngô Minh Hiếu, chiêu trò này đã có từ lâu và liên tục được thay đổi về nội dung để người dùng mất cảnh giác. Gần đây, người dùng nhận được hàng loạt tin nhắn như vậy là do dịch vụ “spam” nở rộ, cung cấp gói nhắn tin hàng loạt trên nhiều nền tảng như iMessage, Zalo, Telegram….để quảng cáo về các sàn lừa đảo, sàn đa cấp, trang mạo danh.
“Người dùng tuyệt đối không nên click vào và không cung cấp bất kỳ thông tin danh tính, thông tin tài khoản nào cho các trang web có tên miền lạ, hoặc có dấu hiệu khả nghi”, chuyên gia này khuyến nghị.
Trước đó, nhiều người sử dụng iPhone cũng phản ánh về việc nhận được hàng loạt tin nhắn dụ cá độ bóng đá, chơi game đánh bạc qua iMessage. Tuy nhiên, đây là tin nhắn OTT được gửi qua kết nối dữ liệu nên các nhà mạng chưa thể xử lý triệt để.